menu

Tuổi thơ trong tôi là: Cà phê!

TRỞ LẠI
  • Bạn có đồng ý với tôi: Quê hương là để yêu – vì những điều đáng tự hào rất riêng mà quê mình mới có! Tôi cũng vậy. Tình yêu tôi dành cho Bảo Lộc – Lâm Đồng xuất phát từ niềm tự hào về cà phê, về tình yêu của dân xứ tôi dành cho cà phê. Những người nguyện sống trọn đời với loại quả này, một khi đã trồng thì yêu, mà một khi yêu thì chung thủy. Tại Bảo Lộc người ta trồng bạt ngàn những đồi cà phê mà tới mùa quả chín thì đẹp lộng lẫy như xứ thần tiên.

  • Dấu phẩy top Dấu phẩy button

    Chăm cà phê cũng như chăm đứa con trong bụng, phải thương, phải kỹ, phải dỗ dành...

“Quả cà phê màu gì?”

- Màu đen!

Đó là câu trả lời tôi vẫn hay nhận được khi hỏi đố bạn bè. Thay vì thất vọng, tôi ngẩng cao đầu tự hào như đã chờ sẵn để chứng tỏ mình là người sành sỏi: “Không, màu đỏ đấy!” – Vâng, ly cà phê đen bạn uống mỗi ngày đến từ những quả đỏ chín mọng vào những ngày cuối năm dương lịch. 

Cây cà phê đẹp lắm, chúng có những nhánh nhỏ xòe ra quanh thân như một cây dù; quả cà phê lại càng đẹp hơn, non thì xanh mướt, chín thì đỏ rươm, mọc thành từng chùm dọc theo nhánh từ thân ra đến ngọn. Nhưng cái mùa mà cà phê đẹp nhất chính là khi nắng vàng hanh hao khắp xứ, hơi lạnh quấn riết từ đất lên trời cao, cả ngọn đồi nhuộm màu cà phê chín đỏ, mùa thu hoạch mới bắt đầu. 

“Thai nghén” cà phê phải có tình thương

Ngày tôi còn bé, tôi hay theo mẹ ra rẫy cà phê, thỉnh thoảng lại thấy mẹ vuốt ve, nói chuyện với mấy quả cà phê. Thấy tôi tròn mắt nhìn, mẹ bảo: “Cà phê hay lắm con à! Cũng như con người, phải đủ 9 tháng 10 ngày thì mới thành quả đỏ hái được. Chăm cà phê cũng như chăm đứa con trong bụng, phải thương, phải kỹ, phải dỗ dành.” Tự dưng tôi thấy thương hạt cà phê đến lạ, phải chăng cà phê cũng là con người, nhưng họa chăng ở một hình thể khác. Khi bé tôi cứ hay tưởng tượng lung tung, lại hay tâm sự cùng cà phê – thấy người quê mình “thai nghén” cà phê cũng lắm gian truân – mà chỉ có tình thương mới bù đắp được những nhọc nhằn ấy.

Đủ yêu thương từng hạt cà phê, nên tâm tính của “tụi nó” người quê tôi cũng rõ. Thành ra cứ thong thả, cứ kiên nhẫn chăm chút cho đến ngày quả chín. Như mẹ mang thai con có vội bao giờ…

Cà phê ngon ở tâm người hái

Để có những hạt cà phê chất lượng tuyệt đỉnh; một số nhà vườn sẽ chọn cách hái quả thay vì cho tuốt nguyên cành. Hái quả cực công hơn là thế, nhưng “các bà mụ” cà phê quê tôi luôn muốn tự tay “đỡ” cho từng đứa bé.Chính nhờ cái tâm quá lớn ấy mà mỗi quả cà phê ấy khi bất đầu vòng đời mới của mình đều mang ích lợi cho đời, không trôi vào hoang phí. Ly cà phê ngon không đến chỉ đến từ tinh thần hay cách pha chế, mà đó còn là từ công sức của người nông dân, của những hạt cà phê đến từ đất.

Bạn hãy thử một lần đi ra đồng cà phê vào những sáng trời lạnh, đặt đôi chân trần lên lớp đất xốp, êm ái rồi ngẫm đoán trời mưa hay nắng, nóng hay mát, rồi tính toán với trời cách nuôi cây ra lá, đâm chồi và kết quả. Có thế mới hiểu tâm tính hạt cà phê, mới thắm được cái nhọc nhằn bình dị và thương lắm “đứa con” cà phê mà người nông dân Việt hằng năm thai nghén.

vinacafe

Hãy cùng chia sẻ cảm nghĩ của bạn